Việc mua phải linh kiện giả đang trở thành nỗi lo lắng lớn đối với những người yêu công nghệ. Mới đây, một reviewer nổi tiếng trong lĩnh vực phần cứng đã trở thành nạn nhân của tình trạng này. Aris Mpitziopoulos, người điều hành kênh Hardware Busters, đã chia sẻ trải nghiệm của mình khi nhận được một con chip AMD Ryzen 7 9800X3D giả mạo sau khi đặt hàng trên Amazon Đức. Điều đáng chú ý là sản phẩm này được bán trực tiếp bởi Amazon, không phải từ bên thứ ba, và hộp vẫn còn nguyên seal.
Aris đã đặt hàng vào ngày 25 tháng 2 và nhận được sản phẩm vào ngày 4 tháng 3. Tuy nhiên, do bận rộn với các bài đánh giá khác, anh không mở hộp ngay mà phải đợi đến ngày 9 tháng 3 mới kiểm tra. Khi mở hộp, mọi thứ ban đầu có vẻ hợp lệ – từ bao bì, nhãn mác cho đến thiết kế bên ngoài. Nhưng khi xem xét kỹ lưỡng con chip bên trong, Aris đã phát hiện ra điều bất thường.
Phát hiện CPU cũ dưới lớp sticker
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy đây là hàng giả chính là thiết kế của phần tản nhiệt tích hợp (IHS) không giống với các sản phẩm thuộc dòng Ryzen 9000. Kể từ thế hệ Ryzen 7000, AMD đã chuyển sang sử dụng IHS có hình dạng bạch tuộc với các vết cắt đặc trưng, nhưng con chip này lại có thiết kế phẳng và thô sơ như những CPU cũ.
Hàng thật bên trái, hàng giả bên phải.
Dấu hiệu thứ hai là mặt sau của CPU có chân (pins) thay vì pad tiếp xúc, trong khi Ryzen 9000 sử dụng socket AM5, yêu cầu thiết kế không chân (LGA). Tuy nhiên, cú sốc lớn nhất đến khi Aris bóc lớp sticker trên bề mặt CPU. Bên dưới không phải là Ryzen 7 9800X3D mà là… AMD FX-4100! Đây là một con chip 32nm, 4 nhân, thuộc dòng Bulldozer từ năm 2011, đã lỗi thời từ lâu.
“Bộ vi xử lý tôi nhận được từ Amazon.de (Amazon là người bán!). Phần trên thực chất chỉ là một miếng dán sticker!”
– Aris Mpitziopoulos
Nếu một người không có kiến thức về phần cứng mua phải CPU giả này và cố gắng lắp vào bo mạch chủ AM5, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Do sự khác biệt giữa socket PGA (có chân) của FX-4100 và LGA (không chân) của Ryzen 9000, việc lắp đặt sai có thể làm hỏng hoàn toàn bo mạch chủ đắt tiền. May mắn thay, Aris đã phát hiện ra sự bất thường trước khi lắp CPU vào hệ thống thử nghiệm của mình.
Miếng dán sticker đã được dán lên lớp IHS của con chip đời cũ để ‘giả dạng’ AMD Ryzen 7 9800X3D.
Điều đáng chú ý là CPU này không phải từ một bên bán lẻ cá nhân, mà được bán trực tiếp từ Amazon, khiến sự việc càng trở nên khó hiểu. Hộp CPU vẫn nguyên seal, không có dấu hiệu bị bóc trước đó, loại trừ khả năng một người dùng khác đã tráo hàng rồi trả lại.
Hiện tại, Aris đã bắt đầu quy trình hoàn tiền trên Amazon, nhưng anh dự đoán sẽ mất khoảng ba tuần mới có thể lấy lại số tiền đã bỏ ra. Trước đó, đã có báo cáo về những con Ryzen 9800X3D giả xuất hiện trên thị trường Trung Quốc, nhưng những phiên bản đó ít nhất vẫn có PCB giống với Ryzen 9000 thật. Trường hợp của Aris lại hoàn toàn khác, khi một CPU từ năm 2011 bị “ngụy trang” bằng sticker và bán với giá của một sản phẩm đời mới.
Vào dịp Black Friday năm ngoái, hàng loạt CPU giả giá 199 USD (~5 triệu VNĐ) đã tràn ngập Amazon Mỹ, nhắm đến những khách hàng tìm kiếm sản phẩm giá rẻ. Gần đây, còn xuất hiện những con Ryzen 9000 giả được “tút lại” từ Ryzen 7000, với PCB chuyển sang màu xanh thay vì xanh dương như hàng thật.
Anh Việt
Thông báo chính thức: Phụ kiện số không hợp tác với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào để bán phụ kiện. Chúng tôi chỉ bán trực tiếp qua các kênh chính thức, bao gồm Facebook và Zalo.
Chúng tôi chỉ hỗ trợ khách hàng mua phụ kiện chính hãng từ phukienso.org. Xin cảm ơn!
- Acer Nitro KG240Y X1 & KG270 X1 – Màn hình chơi game với tốc độ vượt trội
- Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt thách thức từ chính sách thuế mới của Mỹ
- iOS 17.5 đã chính thức ra mắt – Khám phá những tính năng mới trên iPhone
- Trung Quốc đầu tư 11 tỷ USD vào quỹ đổi mới sáng tạo: Tập trung vào công nghệ cốt lõi và khát vọng tự chủ
- ASUS V500: Máy Tính Để Bàn Hiệu Năng Cao, Thiết Kế Gọn Gàng và Bảo Hành Tận Nơi Tại Việt Nam