Ra mắt lần đầu vào năm 2022, ROG Flow Z13 đã gây ấn tượng trong làng công nghệ nhờ thiết kế lai tablet-laptop độc đáo, nhắm đến những game thủ muốn sự linh hoạt mà không đánh đổi hiệu năng. Phiên bản 2025 của dòng máy này tiếp tục giữ vững tinh thần đó, nhưng mang đến nhiều cải tiến đáng chú ý, từ thiết kế ngoại hình, hiệu năng, đến cách ASUS tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Sau một tuần sử dụng, tôi sẽ chia sẻ chi tiết những gì tôi cảm nhận về chiếc máy này, từ lúc mở hộp cho đến khi thử sức với các tựa game AAA.
Mở hộp và phụ kiện: Đầy đủ, cao cấp, đúng chất ROG
Ngay từ khi mở hộp ASUS ROG Flow Z13 (2025), tôi đã cảm nhận được sự đầu tư của ASUS vào trải nghiệm người dùng. Hộp máy được thiết kế với tông màu xám bạc chủ đạo, trên đó được in hình ảnh phong cách viễn tưởng kèm dòng chữ "ROG Flow Z13" nổi bật, tạo cảm giác huyền bí và cao cấp. Bên trong, máy được đặt gọn gàng, đi kèm một loạt phụ kiện khiến tôi khá bất ngờ vì độ "hào phóng" của ASUS.
Ngoài chiếc Z13 và bàn phím từ tính, hộp còn bao gồm một bút cảm ứng ASUS Pen 2.0 rất tiện cho việc ghi chú hoặc vẽ vời trên màn hình cảm ứng. Đi kèm là một túi đựng chống sốc với lớp đệm dày dặn, giúp bảo vệ máy khi di chuyển.
Ngoài ra, hãng cũng kèm theo một chuột gaming ASUS ROG Gladius III có dây với thiết kế công thái học, hỗ trợ tùy chỉnh DPI, rất phù hợp để chơi game. Dẫu biết rằng ASUS khá chu đáo khi đi kèm những món phụ kiện thế này, nhưng tôi vẫn thầm ước rằng họ nên thay bằng một con chuột không dây (và cả tai nghe không dây) thay vì phiên bản có dây này. Với một thiết bị nhấn mạnh tính di động như Z13, một bộ phụ kiện không dây sẽ giúp tăng tính linh hoạt, đặc biệt khi tôi mang máy ra ngoài làm việc hoặc chơi game.
Tiếp theo là tai nghe ROG Fusion II 300 – một mẫu tai nghe 7.1, có âm bass mạnh mẽ, rất hợp để chơi game hoặc nghe nhạc, nhưng… tất nhiên là có dây như tôi đã nói đến ở trên. ASUS còn chu đáo tặng thêm một bộ đệm tai nghe dự phòng, rất hữu ích khi cần thay thế sau thời gian dài sử dụng.
Điểm đặc biệt trong bộ phụ kiện là ASUS cung cấp tới hai củ sạc với công suất khác nhau: một củ 100W nhỏ gọn và một củ 200W lớn hơn. Củ sạc 100W nhẹ, dễ mang theo, rất tiện khi tôi đi làm, du lịch, hay ra quán cà phê, trong khi củ 200W công suất cao hơn thì phù hợp để ở nhà hoặc trên văn phòng, đảm bảo hiệu suất tối đa khi chơi game hoặc làm việc nặng.
Ngoài ra, hộp còn có cáp USB-C, cáp nguồn, và một số giấy tờ hướng dẫn. Tất cả đều được đóng gói cẩn thận, tạo cảm giác như đang mở một món quà công nghệ cao cấp. Combo phụ kiện này không chỉ đầy đủ mà còn rất thực dụng, giúp tôi sẵn sàng sử dụng máy ngay từ phút đầu tiên.
Thiết kế dành cho "dân chơi" nhưng vẫn tinh tế nhẹ nhàng
Lần đầu thấy phiên bản này là lúc tôi ghé qua gian trưng bày của ASUS tại CES 2025, và thật sự mà nói tôi đã rất ấn tượng với chiếc máy ngay từ lúc ấy.
Máy có kích thước 13,4 inch, dày khoảng 1,3 cm, nặng 1,2 kg khi không gắn bàn phím và 1,6kg khi đã gắn xong bàn phím. Cảm nhận cá nhân thì nó khá nhẹ để mang đi mọi nơi, nhưng nếu cầm sử dụng lâu như một chiếc tablet thì lại khá nặng.
Vỏ máy làm từ hợp kim nhôm-magiê, sờ vào mát lạnh, cứng cáp, và ít bám vân tay.
Điểm nhấn lớn nhất ở ngoại hình chính là mặt lưng của Z13. ASUS đã khéo léo thiết kế một "cửa sổ" trong suốt chạy dọc, để lộ một phần bo mạch bên trong với ánh sáng RGB phát ra từ các linh kiện. Hiệu ứng ánh sáng này không chỉ đẹp mắt mà còn tạo cảm giác "tương lai", rất hợp với phong cách của một chiếc máy gaming.
Phần còn lại của mặt lưng được hoàn thiện với các đường nét góc cạnh, logo ROG khắc chìm tinh tế, và một chân đế tích hợp có thể gập mở linh hoạt, giúp điều chỉnh góc nghiêng thoải mái khi làm việc, xem phim hay chơi game. Cái hay của chiếc máy này là dù được làm ra cho game thủ nhưng lại không mang thiết kế "quá lố" hay màu mè, nó vừa đủ những chi tiết mạnh mẽ, gai góc và "dân chơi" nhưng bên cạnh đó vẫn có sự hòa hợp mang tính thời trang, tinh tế để phù hợp với cả nhu cầu đi làm, đi học.
Màn hình cảm ứng QHD+ (2560×1600) 180Hz là một điểm sáng khác của chiếc máy này. Màu sắc theo cảm nhận cá nhân là khá rực rỡ, độ sáng 500 nits đủ dùng dưới ánh nắng nhẹ cũng như phù hợp với hầu hết các điều kiện sử dụng hàng ngày, và tất nhiên tần số quét cao mang lại trải nghiệm mượt mà khi chơi game hoặc cuộn trang.
Tuy nhiên, tôi hơi tiếc vì ASUS dùng tấm nền IPS thay vì OLED ở mức giá này, bởi nếu là OLED, màu đen sâu và độ tương phản chắc chắn sẽ ấn tượng hơn nữa.
Bàn phím từ tính lần này cũng có sự cải tiến: phím bấm êm, hành trình 1,7mm, touchpad rộng hơn 20% so với bản cũ, nhờ vậy mà việc gõ văn bản hay làm việc trong thời gian dài cũng đỡ bị "mệt mỏi" hơn. Dù vậy, để chơi game lâu thì bàn phím này vẫn chưa thực sự "đã" và hơi thiếu độ chắc chắn so với các laptop gaming truyền thống.
Một chi tiết thú vị khác là ASUS đã tích hợp một nút cứng ở cạnh phải của máy để truy cập nhanh các chế độ hiệu năng. Có ba chế độ chính: Silent (tiết kiệm pin, giảm hiệu năng), Performance (cân bằng), và Turbo (tối ưu hiệu suất, quạt chạy mạnh hơn, tất nhiên cũng ồn hơn). Chỉ cần nhấn một nút là tôi có thể chuyển đổi ngay lập tức, rất tiện lợi khi cần điều chỉnh nhanh giữa làm việc và chơi game.
Cổng kết nối cũng đầy đủ: Thunderbolt 5 (hỗ trợ eGPU ROG XG Mobile), USB-C, USB-A, HDMI 2.1, và jack tai nghe 3,5mm, đáp ứng tốt mọi nhu cầu kết nối.
Hiệu năng và chơi game: Sức mạnh từ chip AMD Strix Halo
Trái tim của ASUS ROG Flow Z13 (2025) là con chip AMD Ryzen AI Max+ 395, thuộc dòng Strix Halo và được xem một bước tiến lớn của AMD trong phân khúc di động. Chip này có 16 nhân CPU và 32 luồng, xung nhịp tối đa 5,5GHz, tích hợp GPU Radeon 8060S với 40 Compute Units, và hỗ trợ AI với NPU 50 TOPS.
Phiên bản tôi đang trải nghiệm có dung lượng 1TB và 32GB RAM.
So với các thế hệ trước, Ryzen AI Max+ 395 không chỉ mạnh hơn về hiệu năng CPU mà còn cải thiện đáng kể khả năng xử lý đồ họa tích hợp, cạnh tranh trực tiếp với các GPU rời tầm trung RTX 30 hay RTX 40 series. Đi kèm đó cũng là khả năng hỗ trợ RAM tối đa 128GB LPDDR5X và SSD 1TB NVMe, đảm bảo tốc độ xử lý nhanh chóng cho mọi tác vụ.
Hệ thống tản nhiệt cũng được nâng cấp với buồng hơi thép không gỉ và quạt Arc Flow thế hệ 2, và theo thông tin từ hãng, thiết kế mới này giúp máy duy trì nhiệt độ dưới 80°C ngay cả khi tải nặng.
Khe tản nhiệt cũng xuất hiện rất nhiều trên thiết kế của phiên bản năm nay.
Để kiểm chứng, tôi đã thử mở hơn chục tab Microsoft, chạy Lightroom để chỉnh sửa ảnh RAW, và render video 4K trên Adobe Premiere, tất cả đều mượt mà, không có dấu hiệu giật lag.
Chuyển sang chơi game, tôi thử một vài tựa game quen thuộc để kiểm tra sức mạnh của GPU tích hợp Radeon 8060S. Với Cyberpunk 2077 ở thiết lập Medium 1080p, không bật Ray Tracing, máy dễ dàng đạt mức trên 100 FPS.
Tuy nhiên khi lựa chọn bật Ray Tracing Reflection, kèm theo FSR3 Performance, khung hình bị kéo xuống chỉ còn 48 FS.
Căn chỉnh đôi chút thiết lập Ray Tracing Low và Texture Quality ở mức High, khung hình đã cải thiện hơn.
Với Assassin’s Creed Shadows thiết lập FullHD cùng Medium Presets, Flow Z13 dễ dàng đạt mức trên 90FPS
Nhiệt độ CPU dao động khoảng gần 88 độ C khi đang chơi game Assassin’s Creed Shadows
Một vài ảnh benchmark với Black Myth: Wukong và Horizon Zero Dawn Remastered
Nhìn chung ở các phép thử chơi game, Radeon 8060S tuy mạnh nhưng vẫn có giới hạn so với GPU rời, đặc biệt ở các tựa game đòi hỏi đồ họa nặng và Ray Tracing. Dù vậy, với một chiếc tablet mỏng nhẹ như Z13, hiệu năng này vẫn rất đáng nể.
Pin là một điểm sáng khác và nó đã cải thiện rõ rệt so với phiên bản trước đây. Cụ thể, khi làm việc văn phòng cơ bản, máy có thể trụ được khoảng 7 giờ, trong khi đó nếu chỉ lướt web đọc tin tức thì có thể đạt mức 10 giờ, xem phim liên tục trên ổ cứng được 8 giờ, nhưng chơi game liên tục thì chỉ khoảng 1,5 – 2 giờ. Tất cả được tôi đo đạc với mức sáng màn hình khoảng 70%. Con số này chưa phải là ấn tượng nhất trong các dòng laptop hiện đại, nhưng ít ra so với dạng laptop cho chơi game thì nó vẫn khá ổn.
Bỏ GPU rời thay bằng GPU tích hợp: Liệu có ổn?
Một trong những thay đổi lớn nhất của ASUS ROG Flow Z13 (2025) là việc loại bỏ GPU rời (như RTX 3050 Ti ở bản cũ) để chuyển sang GPU tích hợp Radeon 8060S. Ban đầu, tôi khá nghi ngờ về quyết định này của nhà ASUS và sau vài ngày sử dụng, tôi nhận ra nó có cả ưu lẫn nhược điểm.
Về mặt tích cực, Radeon 8060S là một bước tiến lớn trong công nghệ GPU tích hợp. Nó đủ mạnh để chơi game AAA ở thiết lập trung bình-cao, điều mà trước đây tôi nghĩ chỉ GPU rời mới làm được. Việc bỏ GPU rời cũng giúp máy nhẹ hơn, mỏng hơn, và tiết kiệm năng lượng hơn – pin lâu hơn khi không chơi game, rất hợp với người dùng đa năng như tôi. Ngoài ra, không cần cắm eGPU cồng kềnh như ROG XG Mobile cũng tăng tính di động, đúng với tinh thần của một chiếc tablet.
Nhưng nhược điểm cũng không thể bỏ qua. Như đã nói ở trên, với các tựa game nặng hoặc cần Ray Tracing, Radeon 8060S không thể sánh bằng GPU rời như kiểu RTX đời 40 hay 50 series. Sử dụng chiếc máy này, bạn đừng nghĩ có thể trải nghiệm được Cyberpunk 2077 (hay các tựa game AAA khác) ở thiết lập High với Ray Tracing mượt mà.
ASUS cũng có cung cấp tùy chọn eGPU ROG XG Mobile với RTX 5090 dành cho "người đam mê", nhưng giá của nó (dự kiến 2200 USD, tương đương 56,6 triệu đồng) và kích thước cồng kềnh sẽ làm mất đi tính di động mà tôi yêu thích ở Z13.
Tóm lại, việc thay GPU rời bằng GPU tích hợp là một lựa chọn hợp lý nếu bạn ưu tiên tính di động và sự linh hoạt. Nhưng nếu bạn là game thủ hardcore, muốn trải nghiệm đồ họa đỉnh cao, thì đây không phải là giải pháp tối ưu. Quyết định này của ASUS rõ ràng nhắm đến một nhóm người dùng cụ thể: những ai cần một thiết bị "tất cả trong một" hơn là một cỗ máy gaming thuần túy.
ROG Flow Z13 (2025) là chiếc máy độc đáo, mạnh mẽ, nhưng không dành cho số đông
Theo quan điểm cá nhân, chiếc máy này là một sản phẩm công nghệ đầy sáng tạo, thể hiện tham vọng của ASUS trong việc định nghĩa lại khái niệm tablet gaming. Từ thiết kế đẹp mắt với mặt lưng trong suốt, hiệu năng ấn tượng nhờ chip AMD Ryzen AI Max+ 395, đến bộ phụ kiện đầy đủ và các tính năng thông minh như nút chuyển chế độ hiệu năng, Z13 mang đến một trải nghiệm độc đáo mà hiếm thiết bị nào trên thị trường có được. Nó đủ mạnh để chơi game AAA (với cấu hình đồ họa vừa đủ), xử lý công việc nặng, và đủ linh hoạt để mang đi khắp nơi, đặc biệt với hai củ sạc tiện lợi cho từng nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, với mức giá chính hãng niêm yết gần 78 triệu đồng tại Việt Nam, Flow Z13 không phải là lựa chọn dành cho tất cả. Thiết kế lai tablet-laptop có thể không thực sự tiện dụng với một số người, và việc bỏ GPU rời khiến nó không đáp ứng được kỳ vọng của các game thủ hardcore. Nếu ASUS tặng kèm chuột và tai nghe không dây, tính di động của sản phẩm sẽ được nâng tầm hơn nữa, phù hợp với tinh thần của dòng Flow và phù hợp với mức giá khủng kia hơn.
Nếu bạn là người yêu công nghệ, cần một thiết bị đa năng để vừa chơi game, vừa làm việc, vừa sáng tạo, Z13 là một lựa chọn đáng cân nhắc. Nhưng nếu bạn chỉ muốn một cỗ máy gaming mạnh mẽ hoặc một tablet đơn thuần, có lẽ bạn sẽ tìm thấy lựa chọn phù hợp hơn ở phân khúc khác.
Với tôi, ASUS ROG Flow Z13 (2025) giống như một món đồ chơi công nghệ cao cấp – đẹp, mạnh, và thú vị, nhưng cái giá phải đánh đổi là khá lớn. Nó là minh chứng cho sự đổi mới sáng tạo của ASUS, nhưng cũng là một lời nhắc nhở rằng đôi khi, sự độc đáo đi kèm với cái giá không hề nhỏ.
Thông báo chính thức: Phụ kiện số không hợp tác với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào để bán phụ kiện. Chúng tôi chỉ bán trực tiếp qua các kênh chính thức, bao gồm Facebook và Zalo.
Chúng tôi chỉ hỗ trợ khách hàng mua phụ kiện chính hãng từ phukienso.org. Xin cảm ơn!
- TSMC Ra Mắt Chip 2nm: Bước Đột Phá Trong Công Nghệ Sản Xuất Bán Dẫn
- NASA thử nghiệm máy bay X-59: Siêu thanh không gây tiếng nổ
- Chiếc Tai Nghe Không Dây Mới Tại Việt Nam: Thời Gian Sử Dụng Lên Đến 54 Giờ, Sạc Nhanh Chỉ 10 Phút, Kết Nối Kép, Kháng Bụi Kháng Nước
- Huawei Ra Mắt Bộ Đôi Phụ Kiện Đáng Mua: Tai Nghe FreeBuds SE 3 và Vòng Đeo Tay Band 10, Giá Chỉ Hơn 600.000 Đồng
- Anker vượt mặt Sony, cạnh tranh với Apple AirPods tại thị trường Nhật Bản